Chuyên mục
Tin tức điện mặt trời

Việt Nam và Đức hợp tác thúc đẩy điện mặt trời mái nhà

Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phối hợp triển khai dự án ‘Điện mặt trời mái nhà trong ngành thương mại và công nghiệp’ giới thiệu dự án CIRTS vào ngày 13/4/2022 tại TP HCM.

Theo báo cáo của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN):

  • Tính đến cuối tháng 9/2021, hơn 100.000 hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà đã được lắp đặt và vận hành với tổng công suất gần 10 GW, chiếm hơn 10% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện Việt Nam.
  • Hiện tại, nhiều nhà đầu tư đã quan tâm đến việc phát triển điện mặt trời mái nhà do sự linh hoạt về thời gian lắp đặt và các lựa chọn về vốn đầu tư.
  • Việc phát triển các dự án này để tự tiêu thụ trong ngành công nghiệp và thương mại cũng có nhiều tiềm năng hơn xét từ góc độ kinh doanh, kể từ khi giá điện ở Việt Nam tăng trung bình 8% tính đến tháng 3/2019.

Trong bối cảnh đó, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương đã phối hợp triển khai dự án “Điện mặt trời mái nhà trong ngành thương mại và công nghiệp” (CIRTS) nhằm hỗ trợ các đối tác Việt Nam hoàn thiện khung pháp lý và các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan.

  • Dự án cũng thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực của các đối tác và thúc đẩy hợp tác công nghệ, nhằm cải thiện các điều kiện cho sự phát triển bền vững của thị trường điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam.
  • Dự án CIRTS được Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ. Dự án do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phối hợp với Tổ chức GIZ thực hiện từ nay đến tháng 2/2025.
  • Tại buổi giới thiệu dự án vào ngày 13/4/2022 tại TP HCM, ông Nathan Moore – Giám đốc dự án CIRTS cho biết, điện mặt trời mái nhà sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện cam kết COP26 của Việt Nam:
    • Dự án của GIZ luôn sẵn sàng hỗ trợ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cải thiện các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, thương mại và khuôn khổ pháp lý khi điện mặt trời mái nhà đang phát triển nhanh chóng.
    • “Thông qua việc hợp tác với các đối tác phát triển và các đơn vị có liên quan, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật với mong muốn thúc đẩy sự phát triển bền vững và quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam”, ông Nathan Moore chia sẻ.
Dự án điện mặt trời mái nhà
Ông Nathan Moore – Giám đốc Dự án điện mặt trời mái nhà CIRTS/Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ phát biểu khai mạc.

Dự án CIRTS sẽ phân tích các điểm cần cải thiện trong các quy tắc và tiêu chuẩn kỹ thuật cho việc hòa lưới các hệ thống Điện mặt trời mái nhà, từ đó khuyến nghị áp dụng kinh nghiệm thực tiễn quốc tế phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Ngoài ra, dự án sẽ tạo điều kiện cho nhóm công tác kỹ thuật xác định rõ các nhu cầu thực tế để có thể tiếp tục cập nhật thêm quy tắc, tiêu chuẩn và quy chuẩn.

Một nội dung nữa là dự án sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực vận hành của Tập đoàn điện lực Việt Nam về quản lý kỹ thuật và hành chính, nhằm điều chỉnh các hoạt động kinh doanh điện trong khi Điện mặt trời mái nhà phát triển mạnh trong ngành thương mại và công nghiệp. Bên cạnh đó, dự án cũng hỗ trợ tăng cường khả năng tiếp cận kiến thức cho các đối tác nhằm bảo đảm các vấn đề về chất lượng và an toàn.

Trong lĩnh vực hợp tác công nghệ, dự án sẽ làm việc với Tập đoàn điện lực Việt Nam để xác định tiềm năng điện mặt trời mái nhà trong ngành thương mại và công nghiệp và kiến nghị các kịch bản để tối ưu hóa các nguồn lực.

Với các lĩnh vực hoạt động trên, dự án CIRTS mong muốn sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện và đạt được các mục tiêu chiến lược quốc gia về năng lượng. Qua đó, cả người tiêu dùng và môi trường sẽ được hưởng lợi từ việc cung cấp và sử dụng năng lượng tái tạo bền vững về mặt kinh tế, sinh thái và xã hội ở Việt Nam. Đồng thời, dự án sẽ góp phần tăng cường năng lực cho các cơ sở, đơn vị nhà nước và tư nhân hoạt động trong lĩnh vực năng lượng để thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược tăng trưởng xanh và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia Việt Nam.

vnexpress.net/viet-nam-va-duc-hop-tac-thuc-day-dien-mat-troi-mai-nha-4451203.html

Chuyên mục
Tin tức điện mặt trời

EVN kiến nghị gỡ khó cho điện mặt trời mái nhà tự dùng

EVN kiến nghị các bộ, ngành sớm có quy định, cơ chế ràng buộc trách nhiệm, thủ tục đấu nối cũng như quy định về an toàn xây dựng với điện mặt trời mái nhà tự dùng.

Đề xuất này được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra trước những vướng mắc của các chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà tự dùng, không đấu nối và phát điện lên hệ thống quốc gia.

Tập đoàn này cho biết vừa qua nhận được nhiều kiến nghị của một số chủ đầu tư và địa phương đề nghị được đấu nối hệ thống điện mặt trời mái nhà để tự tiêu dùng tại chỗ, không phát lên lưới điện.

Chẳng hạn, Công ty TNHH Norsk Solar Việt Nam muốn đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà cho các khu công nghiệp, nhà máy, trung tâm thương mại. Công ty TNHH Maruha Chemical Việt Nam đầu tư điện mặt trời mái nhà tại hệ thống nhà máy để tự dùng nội bộ. Hay Sở Công Thương Tiền Giang lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại trụ sở làm việc 8 sở, ngành và trung tâm hành chính công tỉnh Tiền Giang…

Do chưa có cơ chế, quy định pháp lý cụ thể nên hiện EVN tạm thời không thực hiện thoả thuận đấu nối các hệ thống điện mặt trời mái nhà tự dùng này và chờ hướng dẫn từ Bộ Công Thương.

Theo tập đoàn này, do các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt trong phạm vi quản lý của chủ đầu tư, không thuộc quản lý của các tổng công ty, công ty điện lực nên nếu không chấp thuận để các chủ đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà tự dùng có thể gây phản ứng tiêu cực từ họ.

Ngược lại, nếu EVN chấp thuận cho các chủ đầu tư thì lại có rủi ro, do chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng. Mặt khác, do không kiểm soát các hệ thống điện mặt trời mái nhà tự dùng có thể gây khó khăn đến lập kế hoạch huy động các nguồn điện hiện hữu, đảm bảo cân bằng cung cầu trong vận hành hệ thống điện quốc gia, nhất là tại khu vực miền Trung, miền Nam.

Ngoài ra, khi hệ thống điện mặt trời mái nhà của khách hàng bị sự cố, không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng tại chỗ như dự kiến, cần có cơ chế ràng buộc về trách nhiệm tự chịu rủi ro của khách hàng.

Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư liên tục kiến nghị và để gỡ vướng mắc, tập đoàn này đề nghị cơ quan quản lý sớm có quy định cụ thể về cơ chế ràng buộc trách nhiệm tự chịu rủi ro, điều kiện, trình tự thủ tục đấu nối, tiêu chuẩn lắp đặt… với hệ thống điện mặt trời mái nhà tự dùng. Trước mắt, EVN đề nghị xem xét ưu tiên lắp đặt tại khu vực miền Bắc.

Liên quan đến thủ tục đăng ký kinh doanh với các nhà đầu tư, các gia đình có điện mặt trời mái nhà phát lên lưới, EVN cũng có những kiến nghị gỡ vướng do hiện mỗi tỉnh yêu cầu thủ tục khác nhau.

Như tỉnh Long An yêu cầu tất cả chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà phải đăng ký kinh doanh, trong đó Phú Yên, TP HCM, Đà Nẵng… lại không yêu cầu thủ tục này với hệ thống điện mặt trời mái nhà có doanh thu dưới 100 triệu đồng một năm.

Đến nay đã có 104.294 dự án điện mặt trời mái nhà được lắp đặt, với tổng công suất đặt 9.581 MW.

Trước thực tế này, EVN trình Hội đồng thành viên phê duyệt hướng dẫn thủ tục đăng ký kinh doanh điện mặt trời mái nhà đối với hộ gia đình, cá nhân. Theo đó, tập đoàn này sẽ thanh toán tiền mua điện từ hệ thống điện mặt trời mái nhà cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng không phải đăng ký, bổ sung ngành, nghề kinh doanh điện mặt trời mái nhà.

Với chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà thuộc đối tượng phải đăng ký, bổ sung ngành, nghề kinh doanh cung cấp thông tin về việc đã hoàn thành thủ tục này theo quy định.

vnexpress.net/evn-kien-nghi-go-kho-cho-dien-mat-troi-mai-nha-tu-dung-4477517.html